Huy động hơn 1.000 giáo viên tham gia viết câu hỏi đề thi
Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Sái Công Hồng Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và KĐCL giáo dục – Bộ GD&ĐT đã giải thích rõ hơn về vấn đề này.
Đề thi đã được chuẩn hóa
TS Sái Công Hồng cho biết, kinh nghiệm quốc tế đối với các bài thi chuẩn hóa họ đều không công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức kỳ thi mà họ chỉ công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm, ví dụ như các bài thi chuẩn hóa: SAT, ACT, GMAT, TOEFL, IELTS… Trên thế giới có rất ít tổ chức dùng đề thi chuẩn hóa sau khi tổ chức thi công bố đề thi và đáp án.
Trước hết phải nói rõ năm nay mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng biệt đã được chuẩn hóa. Như vậy nếu mỗi phòng thi có 24 thí sinh thì có 24 đề thi khác nhau. Những năm trước, mỗi môn thi chỉ có một đề thi được hoán vị các hỏi để có các mã đề khác nhau. Đến nay một số người vẫn còn hiểu nhầm giữa đề thi khác nhau của năm nay với mã đề thi khác nhau của những năng trước.
Theo TS Hồng, những năm trước từ một đề thi ta có thể tạo ra 6 mã đề thi, thậm chí 24 mã đề thi khác nhau để mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi khác nhau (không phải đề thi khác nhau). Việc công bố đề thi và đáp án trong trường hợp này hoàn toàn không có vấn đề gì. Thực tế lâu nay Bộ vẫn cho công bố đề thi, đáp án sau khi thi. Tuy nhiên khi tổ chức thi trắc nghiệm khách quan với ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn hóa thì mọi việc sẽ khác.
Thực tiễn ở Việt Nam trong 3 năm vừa qua, ĐHQGHN trong các kì đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào cũng không công bố đề thi, đáp án. Các kết quả nghiên cứu về việc ra đề thi của ĐHQGHN cho thấy các đề thi đều tương đương về độ khó, không có việc sai sót, hay chênh lệch đề độ khó giữa các đề thi sử dụng câu hỏi đã được chuẩn hóa.
Ngoài ra, Ở việt Nam, một số trường tổ chức thi ngoại ngữ để cấp bằng tương đương trình độ B1, B2 cũng không công bố đề thi và đáp án sau khi tổ chức thi.